CEO @CyStack
Bảo mật thông tin và dữ liệu là một trong những thách thức của mọi tổ chức trong thời kỳ chuyển đổi số. Vậy, đâu là giải pháp bảo mật thông tin cho doanh nghiệp hiệu quả? Làm thế nào để xây dựng một chiến lược an toàn thông tin tổng thể? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Ai cũng biết bảo mật thông tin là quan trọng, nhưng tới khi thực hiện thì nhiều người chùn bước vì … không biết bắt đầu từ đâu? Không biết thông tin và dữ liệu nào cần được bảo vệ? Tìm trên Google cũng chỉ thấy các bài viết qua loa. Đó là lí do bài viết này ra đời, phân tích logic các bước bạn cần thực hiện để xây dựng được một chiến lược bảo mật thông tin tốt nhất cho doanh nghiệp của mình
Thông tin gì cần được bảo mật?
Muốn bảo mật thông tin hiệu quả, doanh nghiệp phải xác định chính xác “đối tượng” cần bảo vệ bằng cách trả lời câu hỏi: Những thông tin gì cần được bảo mật?
Câu trả lời rất đơn giản: bất cứ thông tin, dữ liệu gì quan trọng với tổ chức thì đều cần được bảo vệ. Tuy nhiên, mức độ quan trọng của từng loại thông tin đối với từng ngành cụ thể là khác nhau. Dưới đây là một vài loại thông tin phổ biến trong doanh nghiệp.
- Thông tin khách hàng (hoặc dữ liệu khách hàng): Đây dường như là tài sản quý giá nhất của mỗi doanh nghiệp. Dưới sự bùng nổ của internet và marketing online, việc công ty “hiểu” về khách hàng của họ là chuyện sống còn. Đó là lý do dữ liệu khách hàng là loại thông tin cần được ưu tiên bảo vệ hàng đầu.
- Tình trạng kinh doanh: Mặc dù những công ty đã IPO bắt buộc phải công bố dữ liệu tài chính, nhưng việc để lộ cho đối thủ biết trước sẽ gây bất lợi lớn và khiến doanh nghiệp mất thế chủ động.
- Thông tin đối tác & chuỗi cung ứng: Trong một vài ngành, việc có những nhà cung cấp chất lượng và giá rẻ đôi khi là chìa khóa chiến thắng của doanh nghiệp. Nếu dữ liệu này lọt vào tay đối thủ, đồng nghĩa với việc DN mất lợi thế cạnh tranh.
- Thông tin nhân viên: Đặc biệt là thông tin của các cán bộ cấp cao thì càng không nên để lộ. Các nhà tuyển dụng (head-hunter) sẽ lợi dụng yếu tố này để chèo kéo nhân viên với mức lương và đãi ngộ hấp dẫn hơn.
- Thông tin về chiến lược & sản phẩm sắp ra mắt: Ở một quốc gia mà bản quyền chưa được chú trọng như Việt Nam, tình trạng ăn cắp ý tưởng & sản phẩm không còn xa lạ. Bạn ra sản phẩm tốt, họ “copy” lại y hệt, họ marketing tốt hơn -> Bạn thua.
- Bí mật kinh doanh khác: Đối với một số ngành sẽ có những “bí mật làm nên thương hiệu” riêng. Có thể là một thuật toán đằng sau sản phẩm ứng dụng, cũng có thể là công thức chế biến, hoặc bản thiết kế đặc biệt,… Tất cả những loại dữ liệu đó đều là tối quan trọng cần được bảo mật.
Những mối đe dọa tới an toàn thông tin doanh nghiệp
Sau khi đã xác định được những thông tin quan trọng cần được bảo vệ, doanh nghiệp cần đánh giá các kịch bản vi phạm dữ liệu có thể xảy ra.
Có rất nhiều cách tin tặc có thể tấn công & vi phạm dữ liệu doanh nghiệp, nhưng chúng đều thông qua các hình thức dưới đây:
- Tấn công lừa đảo Phishing
- Khai thác lỗ hổng bảo mật trong ứng dụng (Website, Mobile App, Phần mềm, thiết bị IoT…)
- Tiêm nhiễm & lây lan Mã độc/Virus vào mạng doanh nghiệp
- Tấn công chiếm Password
- Tấn công hệ thống CRM
- Tấn công chuỗi cung ứng
Giải pháp bảo mật thông tin và dữ liệu cho doanh nghiệp
Để có được một giải pháp bảo mật thông tin tổng thể, doanh nghiệp cần chú ý tới các thành phần sau:
Xây dựng chính sách bảo mật thông tin: Đây là bước giảm thiểu rủi ro hiệu quả mà nhiều doanh nghiệp hay bỏ qua. Chính sách này bao gồm các điều khoản, luật lệ, và phân quyền chia sẻ – truy cập dữ liệu mà nhân viên phải tuân thủ để đảm bảo an toàn thông tin cho doanh nghiệp.
Bảo mật hệ thống website: Đây là kênh giao tiếp chính của doanh nghiệp với khách hàng, cũng chính là điểm yếu bị tấn công nhiều nhất. Việc sử dụng các công cụ bảo mật & cảnh báo sự cố website là cần thiết đối với mọi doanh nghiệp. Ngoài ra đối với các doanh nghiệp TMĐT, tài chính – ngân hàng, ví điện tử, thanh toán online,… nên thực hiện pen-test thường xuyên cho website để chủ động phòng tránh tấn công.
Bảo mật hệ thống quan hệ khách hàng (CRM): Nếu doanh nghiệp sử dụng phần mềm CRM, đừng tiếc một khoản đầu tư để bảo mật riêng cho hệ thống này. Tại Việt Nam đã có nhiều vụ doanh nghiệp mới chỉ bị nghi lộ thông tin khách hàng mà cổ phiếu đã giảm tới hàng trăm tỷ.
Bảo mật thiết bị IoT (Internet-of-Things): Các thiết bị được kết nối với internet cũng là một “cửa sau” mà tin tặc có thể tấn công. Từ router/modem wifi tới máy in, camera an ninh… tất cả có thể bị hack nếu như doanh nghiệp không đánh giá rủi ro và triển khai các hình thức bảo mật.
Bảo mật máy chủ & hệ thống Cloud: Công nghệ đám mây (cloud computing) đang là xu hướng tất yếu vì tiện lợi hơn, an toàn hơn. Tuy nhiên chúng không hề “miễn nhiễm” với các cuộc tấn công mạng. Hãy đảm bảo sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp uy tín như Amazon AWS, hay Microsoft Azure.
Bảo mật hệ thống IT/OT & mạng nội bộ (networks): Nếu một thiết bị dính Mã độc hoặc Virus, nguy cơ cả mạng lưới doanh nghiệp bị ảnh hưởng là rất cao. Do đó, cần có biện pháp ngăn chặn sự phát tán của mã độc trong mạng nội bộ, hệ thống CNTT, hệ thống vận hành để hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp.
Nâng cao nhận thức của Cán bộ – nhân viên: Đây được xem là yếu tố quan trọng nhưng thường bị “lãng quên”. Đôi khi, chỉ cần một sơ ý nhỏ của nhân viên (mở email chứa mã độc, hoặc đặt mật khẩu facebook quá đơn giản) đã có thể khiến doanh nghiệp bị tấn công mạng gây thiệt hại nặng nề. Vì thế, bên cạnh các biện pháp về máy móc – công nghệ, doanh nghiệp cũng cần chú ý tới vai trò của con người trong việc bảo mật thông tin.