Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Safety Detectives, Trung Nguyễn, CEO kiêm Founder của CyStack, đã có những chia sẻ thú vị về tình hình an ninh mạng hiện nay, những sai lầm phổ biến mà nhiều doanh nghiệp mắc phải, và cách CyStack giải quyết vấn đề này.
Với hơn một thập kỷ kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh mạng, ông Trung Nguyễn nhận thấy nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), gặp khó khăn trong việc xây dựng một hệ thống bảo mật hiệu quả. Trong buổi phỏng vấn, ông đã chỉ ra một số vấn đề nghiêm trọng và đưa ra lời khuyên thiết thực để giúp doanh nghiệp bảo vệ dữ liệu của mình tốt hơn.
Những khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt trong lĩnh vực an ninh mạng
Theo ông Trung Nguyễn, phần lớn doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn cơ bản trong việc bảo vệ dữ liệu và hệ thống của mình, khiến họ trở thành mục tiêu dễ dàng của tin tặc.
1. Công cụ bảo mật quá phức tạp hoặc không phù hợp
Nhiều giải pháp bảo mật hiện có rất mạnh mẽ nhưng lại quá phức tạp, được thiết kế cho các chuyên gia thay vì người dùng doanh nghiệp. Điều này đặc biệt gây khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), khiến họ dễ bị tấn công.
2. Tư duy bảo mật thụ động, chỉ phản ứng khi có sự cố
Hầu hết các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến an ninh mạng sau khi đã bị tấn công, thay vì xây dựng một chiến lược bảo mật chủ động. Điều này khiến họ dễ dàng trở thành nạn nhân của ransomware, tấn công lừa đảo (phishing) và đánh cắp dữ liệu. Một nghiên cứu của Drata xác nhận rằng 87% tổ chức được khảo sát đã chịu hậu quả tiêu cực vì cách tiếp cận bảo mật thụ động này.
3. Không thực sự hiểu rõ giá trị của an ninh mạng
Các công ty và cá nhân thường ngần ngại đầu tư vào bảo mật CNTT vì họ không hiểu rõ giá trị của nó – hoặc tệ hơn, họ từng sử dụng các hệ thống bảo mật không đáp ứng được kỳ vọng.
4. Quan niệm sai lầm về đối tượng bị tấn công
Một trong những quan niệm sai lầm lớn nhất về an ninh mạng là: “Chỉ các tập đoàn lớn hoặc công ty công nghệ mới bị tấn công”. SME thường nghĩ rằng họ “quá nhỏ” hoặc “không đủ quan trọng” để trở thành mục tiêu. Nhưng thực tế thì ngược lại – hacker coi SME là “miếng mồi ngon” vì hệ thống bảo mật của họ thường yếu hơn.
CyStack đang giải quyết những vấn đề này như thế nào?
CyStack hỗ trợ giải quyết một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp gặp phải: bảo vệ dữ liệu mà không phức tạp hoá vấn đề hoặc tốn kém chi phí. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì thiếu chuyên gia bảo mật, ngân sách hạn chế và phải sử dụng quá nhiều công cụ rời rạc, khiến họ dễ bị tấn công mạng. Đây chính là lúc CyStack xuất hiện để thay đổi cuộc chơi.
CyStack kết hợp giữa các sản phẩm bảo mật thông minh và dịch vụ chuyên nghiệp, được thiết kế linh hoạt theo từng nhu cầu doanh nghiệp. Dù bạn là startup đang xây dựng hệ thống bảo mật hay một tập đoàn lớn đang quản lý dữ liệu nhạy cảm, CyStack đều có giải pháp tối ưu giúp bạn đạt được hiệu quả bảo vệ cao nhất với chi phí hợp lý nhất.
Điểm khác biệt của CyStack là tích hợp tất cả các dịch vụ và công cụ bảo mật vào một nền tảng duy nhất – CyStack Security Platform. Thay vì phải đọc những báo cáo dài dòng, phức tạp, bạn sẽ nhận được bảng điều khiển trực quan, giúp dễ dàng theo dõi và đưa ra quyết định nhanh chóng.
Ví dụ, CyStack cung cấp các công cụ như CyStack Endpoint để giám sát và bảo vệ thiết bị trước các hoạt động bất thường, hoặc Data Leak Detection để theo dõi thông tin nhạy cảm trên các diễn đàn dark web và hành động ngay lập tức nếu dữ liệu bị lộ. Ngoài ra, các dịch vụ bảo mật quản lý của CyStack bao gồm tư vấn bảo vệ dữ liệu, đánh giá lỗ hổng, kiểm thử xâm nhập (pentest) và chương trình bug bounty để tận dụng kiến thức của hàng nghìn hacker mũ trắng.
Nhưng bảo mật không chỉ đơn thuần là có công cụ phù hợp – mà là cách bạn sử dụng chúng. Đó là lý do CyStack tập trung vào việc làm cho các giải pháp của mình trực quan, tiết kiệm chi phí và linh hoạt.
Lời khuyên bảo mật từ CEO CyStack
Để giúp doanh nghiệp thích ứng với môi trường an ninh mạng ngày càng phức tạp, ông Trung Nguyễn đưa ra một số lời khuyên quan trọng:
- Xây dựng chiến lược bảo mật tổng thể: Không chỉ sử dụng công cụ, mà phải có quy trình bảo mật rõ ràng. Xây dựng một chiến lược an ninh mạng kết hợp giữa mà công cụ, quy trình, con người.
- Luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất: Không có hệ thống nào là hoàn hảo, doanh nghiệp cần tập trung vào việc nâng cao khả năng hồi phục sau sự cố. Doanh nghiệp nên đầu tư vào phát hiện mối đe dọa, quét lỗ hổng và chính sách dữ liệu mạnh mẽ để giảm thiểu thiệt hại khi sự cố xảy ra.
- Áp dụng mô hình Zero Trust: Không tin tưởng bất kỳ ai, luôn xác thực trước khi cấp quyền truy cập.
- Đào tạo nhân viên về bảo mật: Tăng cường nhận thức an ninh mạng giúp giảm đáng kể nguy cơ tấn công từ lỗi con người.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự gia tăng của các mối đe dọa mạng, bảo mật không còn là một lựa chọn – đó là một điều bắt buộc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là doanh nghiệp phải hy sinh hiệu suất hoặc ngân sách để đạt được bảo mật tốt hơn.
Thông qua những chia sẻ từ CEO Trung Nguyễn, có thể thấy rằng một chiến lược bảo mật hiệu quả, đơn giản và chủ động sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ bảo vệ dữ liệu mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh vững chắc.
CyStack cam kết tiếp tục phát triển các giải pháp bảo mật mạnh mẽ, dễ sử dụng và tối ưu chi phí, giúp doanh nghiệp mọi quy mô có thể an tâm vận hành trong môi trường số.
Đọc toàn bộ bài phỏng vấn trên Safety Detectives tại đây