HomeBlogNFT là gì? Giải mã sức hút của cơn sốt NFTs
Blockchain Security

NFT là gì? Giải mã sức hút của cơn sốt NFTs

CyStack blog10 phút để đọc
CyStack blog18/10/2021
Locker Avatar

CyStack Editor

Locker logo social
Reading Time: 10 minutes

Non-fungible tokens (NFTs) dường như đang tạo nên một cơn sốt dữ dội trong năm nay. Những vật phẩm kỹ thuật số từ nghệ thuật, âm nhạc đến bánh taco và giấy vệ sinh đang được rao bán với giá hàng triệu đô la như vụ “Bong bóng hoa tulip Hà Lan” hồi thế kỷ 17.

Nhưng liệu những tài sản được đại diện bằng chuỗi mã NFT có đáng tiền hay chỉ là một hiệu ứng? Một số chuyên gia cho rằng NFT cũng đang được thổi phồng như bong bóng Dotcom hay cơn sốt thú nhồi bông Beanie Babies. Một số khác lại tin rằng NFT sẽ tồn tại bền vững và thay đổi hình thức đầu tư mãi mãi. Vậy, NFT là gì?

NFT là gì?

Token không thể thay thế (NFT) là một tài sản ảo đại diện cho các vật phẩm trong thế giới thực như nghệ thuật, âm nhạc, vật phẩm game, và video. NFT được mua bán trực tuyến dưới hình thức thanh toán bằng tiền mã hóa (cryptocurrency). NFT thường được mã hóa bằng phần mềm cơ bản giống như các loại tiền mã hóa hay còn gọi là tiền điện tử.

Mặc dù chỉ mới xuất hiện hồi năm 2014, NFTs hiện đang được nhiều người biết đến bởi chúng đang ngày một trở thành cách phổ biến để mua bán các tác phẩm nghệ thuật số. Một khoản tiền khổng lồ 174 triệu USD đã được chi cho NFT từ tháng 11/2017.

NFT không thể phân chia và có các mã nhận dạng độc nhất vô nhị. Bà Arry Yu, chủ tịch Hội đồng Cascadia Blockchain của Hiệp hội Công nghiệp Công nghệ Washington kiêm giám đốc điều hành của Yellow Umbrella Ventures cho biết: “Về cơ bản, NFTs tạo ra sự khan hiếm kỹ thuật số.”

Điều này hoàn toàn trái ngược với hầu hết các sáng tạo kỹ thuật số với nguồn cung vô hạn. Theo lý thuyết, khi nguồn cung giảm xuống thì giá trị của một tài sản nhất định (đang có nhu cầu) sẽ tăng lên.

Nhưng nhiều sáng tạo kỹ thuật dưới dạng NFT đã tồn tại dưới các hình thức khác, chẳng hạn như các video clip mang tính biểu tượng từ các trận đấu bóng rổ NBA hoặc các phiên bản nghệ thuật số đã được bảo mật hóa đăng tải trên Instagram.

Ví dụ, nhà thiết kế đồ họa nổi tiếng Mike Winklemann, hay còn được biết đến với cái tên “Beeple” đã tạo ra một tác phẩm được tổng hợp từ 5.000 bức vẽ hàng ngày dưới dạng NFT. Có thể nói, đây là NFT nổi tiếng nhất trong thời điểm hiện tại. Tác phẩm số có tên “EVERYDAYS: The First 5000 Days” của ông đã được bán với giá kỷ lục 69.3 triệu USD tại nhà đấu giá Christie’s.

Tác phẩm kết hợp 5000 bức họa của Beeple được bán với giá gần 70 triệu đô la. Ảnh: internet.

Bất cứ ai cũng có thể xem những hình ảnh riêng lẻ hay thậm chí những bộ ảnh trên mạng miễn phí. Vậy tại sao người ta sẵn sàng chi hàng triệu đô la cho những thứ mà họ dễ dàng sở hữu bằng cách tải xuống hoặc chụp màn hình?

Đó là bởi vì NFT cho phép người mua sở hữu bản gốc của những vật phẩm. Không những thế, NFT có xác thực tích hợp dùng để minh chứng cho quyền sở hữu. Các nhà sưu tập coi trọng “sự khoe khoang về quyền sở hữu các vật phẩm số“ gần như nhiều hơn giá trị thực của món hàng.

NFT khác với tiền mã hóa như thế nào?

NFT là tên viết tắt của non-fungible token. Điểm giống nhau duy nhất giữa NFT và tiền mã hóa là: NFT thường được tạo ra bằng chương trình giống với tiền mã hóa, chẳng hạn như Bitcoin hay Ethereum.

Tiền mặt và tiền mã hóa đều có thể thay thế (fungible), nghĩa là cả hai loại tiền này đều có thể được mua bán hay trao đổi với giá trị ngang nhau. Ví dụ: 1 USD không khác biệt gì với 1 USD khác; 1 Bitcoin luôn có mệnh giá bằng 1 Bitcoin khác. Nhờ vào tính có thể thay thế này mà tiền mã hóa trở thành một phương tiện giao dịch đáng tin cậy trên hệ thống chuỗi khối (blockchain).

NFT thì khác. Mỗi NFT có một chữ ký kỹ thuật số do đó NFT không thể thay thế được (non-fungible), nghĩa là không thể trao đổi một NFT với một NFT khác. Ví dụ: NBA Top Shot (Bộ sưu tập các thẻ dưới dạng NFT, mỗi NFT là video clip ngắn khoảnh khắc trong lịch sử bóng rổ) không thể hoán đổi với tác phẩm số EVERYDAYS đơn giản bởi vì cả hai đều là NFT. (Tương tự, video clip của NBA Top Shot này cũng không thể trao đổi với một video clip của NBA Top Shot khác).

NFT hoạt động như thế nào?

NFT chạy trên hệ thống chuỗi-khối (blockchain)- một sổ cái kỹ thuật phân tán công khai dùng để ghi lại các giao dịch. Có lẽ hầu như bạn đã quen thuộc với quy trình cơ bản để tạo ra tiền điện tử bằng blockchain.

Cụ thể, NFT thường chạy trên blockchain Ethereum đồng thời cũng nhận sự hỗ trợ từ những blockchain khác.

NFT được tạo ra hoặc “đúc” từ các đối tượng số đại diện cho cả vật phẩm hữu hình và vô hình, bao gồm:

  • Các tác phẩm nghệ thuật
  • Các hình ảnh GIF
  • Video và các khoảnh khắc nổi bật trong thể thao
  • Các bộ sưu tập
  • Ảnh đại diện ảo và vật phẩm game
  • Giày thể thao thiết kế
  • Sản phẩm âm nhạc

Thậm chí là các tweets trên Twitter. Đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey đã bán tweet dưới dạng NFT đầu tiên của mình với giá hơn 2.9 triệu USD.

Tweet đầu tiên của CEO Jack Dorsey đã được bán với giá 2.5 triệu đô la dưới dạng NFT. Ảnh: nftartwork.

Về cơ bản, giống với những vật phẩm của các nhà sưu tầm vật lý, NFT chỉ là một dạng kỹ thuật số. Vì vậy, thay vì nhận một bức tranh sơn dầu thực tế để treo tường, người mua chỉ nhận một tệp kỹ thuật số.

Người mua cũng có được quyền sở hữu độc quyền. Mỗi NFT chỉ có thể có một chủ sở hữu tại một thời điểm. Nhờ có dữ liệu độc nhất vô nhị, NFT dễ dàng xác minh quyền sở hữu và chuyển giao các token giữa các chủ sở hữu. Chủ sở hữu hay nhà sáng lập cũng có thể lưu trữ các thông tin cụ thể dưới dạng các NFT. Chẳng hạn, các nghệ sĩ có thể ký tên vào tác phẩm nghệ thuật của mình bằng cách chuyển chữ ký của họ thành dạng siêu dữ liệu NFT.

Ứng dụng của NFT là gì?

Công nghệ blockchain và NFT mạng đến cơ hội kiếm tiền độc nhất vô nhị cho các nghệ sĩ và nhà sáng tạo nội dung từ các tác phẩm của họ. Ví dụ, các nghệ sĩ không còn phải dựa vào các phòng trưng bày hoặc nhà đấu giá để bán tác phẩm của mình nữa. Thay vào đó, họ có thể kiếm được một khoản lợi nhuận đáng kể thông qua việc bán các tác phẩm trực tiếp cho khách hàng dưới dạng NFT. Ngoài ra, họ còn có thể nhận tiền bản quyền mỗi khi tác phẩm đó được trao tay chủ sở hữu mới.

Không dừng lại ở nghệ thuật, có nhiều cách để kiếm tiền từ NFT. Các thương hiệu như Charmin và Taco Bell đã bán đấu giá các tác phẩm nghệ thuật dưới dạng NFT để gây quỹ từ thiện. Sản phẩm giấy vệ sinh không thể thay thế Charmin (Non-fungible toilet paper) và tác phẩm nghệ thuật NFT của Taco Bell’s đã bán hết chỉ trong vài phút, với giá đấu thầu cao nhất là 1.5 ether (WETH) – tương đương với 3.723,83 USD (tại thời điểm viết bài).

Nyan Cat, một bức ảnh GIF có từ năm 2011 về một con mèo với thân hình mũm mĩm, được bán với giá gần 600.000 USD hồi tháng 2. NBA Top Shot đã tạo ra doanh thu hơn 500 triệu USD tính đến cuối tháng 3. Một đoạn highlight NFT của vận động viên bóng rổ LeBron James thu về hơn 200.000 USD.

Ngay cả những nghệ sĩ nổi tiếng như rapper Snoop Dogg và diễn viên Lindsay Lohan cũng bắt đầu gia nhập NFT. Họ chuyển những kỷ niệm, tác phẩm nghệ thuật và khoảnh khắc độc đáo thành dạng NFT được bảo mật.

Làm thế nào để sở hữu NFT?

Nếu bạn muốn bắt đầu bộ sưu tập NFT, bạn cần sở hữu một số vật phẩm chính như sau:

Trước hết, bạn sẽ cần có một ví điện tử cho phép bạn lưu trữ NFT và tiền điện tử. Bạn có thể sẽ cần mua một số loại tiền điện tử, tùy thuộc vào loại tiền tệ mà nhà cung cấp NFT của bạn chấp nhận, ví dụ như Ether. Hiện nay, bạn có thể mua tiền điện tử bằng thẻ tín dụng trên các nền tảng như Coinbase, Kraken, eToro và thậm chí cả PayPal và Robinhood. Sau đó, bạn sẽ có thể chuyển tiền điện tử từ sàn giao dịch đó sang ví điện tử của mình.

Có thể bạn sẽ quan tâm đến phí giao dịch khi tìm kiếm và lựa chọn các nền tảng giao dịch. Hầu hết các sàn giao dịch tính phí ít nhất một phần trăm giao dịch khi bạn mua tiền điện tử.

Những thị trường NFT phổ biến

Khi bạn đã thiết lập và nạp tiền vào ví điện tử, sẽ không thiếu các trang web mua bán NFT. Dưới đây là những thị trường NFT lớn nhất hiện nay:

  • OpenSea.io: Nền tảng ngang hàng này được biết đến là một nơi cung cấp “các mặt hàng và đồ sưu tầm kỹ thuật số quý hiếm ”. Để sử dụng nền tảng này, điều bạn cần làm là tạo một tài khoản để “săn lùng” các bộ sưu tập NFT. Bạn cũng có thể sắp xếp các tác phẩm theo lượng tiêu thụ để tìm ra những nghệ sĩ mới. 
  • Rarible: Tương tự như OpenSea, Rarible là một thị trường mở, tự trị tạo điều kiện cho các nghệ sĩ và nhà sáng tạo phát hành và bán các sản phẩm NFT của họ. Các token RARI được phát hành trên nền tảng này cho phép chủ sở hữu cân nhắc về các tính năng chẳng hạn như các chi phí và quy tắc cộng đồng. 
  •  Foundation: Trên nền tảng này, các nghệ sĩ phải nhận được “phiếu tán thành” hoặc lời mời từ đồng nghiệp thì mới được đăng bán tác phẩm của họ. Tính độc quyền và chi phí gia nhập của các nghệ sĩ trong cộng đồng cũng phải mua “gas” để đúc NFT — có nghĩa là các tác phẩm nghệ thuật được nâng lên một tầm cao mới. Ví dụ, nhà sáng tạo tác phẩm Nyan Cat, Chris Torres, đã bán tác phẩm NFT trên nền tảng Foundation. Giả sử nhu cầu sở hữu NFT vẫn duy trì ở mức hiện tại hoặc thậm chí tăng theo thời gian thì việc giá thành sản phẩm với cao hơn chưa hẳn là một điều xấu đối với các nghệ sĩ và nhà sưu tầm đang tìm cách thu lợi nhuận.

Mặc dù trên nền tảng trên và những nền tảng khác có sự tham gia của hàng nghìn nhà sáng tạo và nhà sưu tầm NFT, nhưng hãy đảm bảo rằng bạn đã nghiên cứu kỹ trước khi mua. Một số nghệ sĩ đã trở thành nạn nhân của những kẻ mạo danh niêm yết và bán tác phẩm mà không có bất kỳ sự cho phép nào từ những nghệ sĩ đó.

Ngoài ra, quy trình xác minh dành cho những nhà sáng tạo và việc niêm yết NFT không nhất quán giữa các nền tảng – một số nền tảng này nghiêm ngặt hơn các nền tảng kia. Ví dụ: Hai thị trường NFT OpenSea và Rarible không yêu cầu xác minh quyền sở hữu đối với việc niêm yết NFT. Các biện pháp bảo vệ khách hàng dường như còn lỏng lẻo, vì vậy khi mua NFT, tốt nhất bạn nên ghi nhớ câu ngạn ngữ xa xưa “caveat emptor” (Tạm dịch: Hãy để người mua thận trọng)

Bạn có nên mua NFT?

Chỉ vì bạn có khả năng mua NFT, điều đó nghĩa là bạn nên mua? Bà Yu chia sẻ rằng việc mua NFT còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề.

“Các NFT rất rủi ro vì tương lai không chắc chắn và chỉ xuất hiện mấy năm gần đây nên rất khó để đánh giá hiệu suất của các NFT,” cô lưu ý. “Hiện nay, NFT còn khá mới mẻ nên bạn có thể đầu tư một số tiền nhỏ để thử nghiệm.”

Nói cách khác, đầu tư vào NFT phần lớn là quyết định cá nhân. Nếu tài chính của bạn dư dả, đặc biệt nếu một món đồ đó có ý nghĩa đối với bạn, bạn nên cân nhắc.

Nhưng hãy nhớ rằng, giá trị của NFT hoàn toàn dựa trên những gì người khác sẵn sàng chi trả cho nó. Do đó, nhu cầu sẽ làm giá NFT tăng hơn là các chỉ số cơ bản, kỹ thuật hoặc kinh tế. Những chỉ số này thường ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và là cơ sở cho nhu cầu của nhà đầu tư.

Điều đó có nghĩa là, một NFT có thể bán lại với giá thấp hơn giá bạn đã trả cho nó. Hoặc bạn có thể không bán lại được nếu không ai có nhu cầu.

NFT cũng phải chịu thuế lãi đầu tư (capital gains taxes – thuế áp dụng tại mỹ và một số quốc gia khác) – giống như khi bạn bán cổ phiếu kiếm lời. Tuy nhiên, vì được coi là các mặt hàng sưu tầm, nên NFT có thể không nhận được mức lãi suất về vốn dài hạn ưu đãi như cổ phiếu. Thậm chí NFT có thể bị đánh thuế cao hơn với mức thuế hàng sưu tầm, mặc dù Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) vẫn chưa phán quyết những NFT nào được liệt kê vào danh mục thuế.

Hãy nhớ rằng, tiền điện tử dùng để mua NFT cũng có thể bị đánh thuế nếu chúng tăng giá trị kể từ lúc mua. Do đó, bạn hãy tham khảo ý kiến chuyên gia thuế khi nghiên cứu đầu tư vào NFT.

Hãy tiếp cận NFT giống như bất kỳ khoản đầu tư nào: Thực hiện nghiên cứu, tìm hiểu các rủi ro – bao gồm cả việc bạn có thể mất hết số tiền đầu tư của mình. Nếu bạn quyết định gia nhập cộng đồng NFT, hãy tiến hành một cách thận trọng.

Theo Forbes

CyStack blog

Mẹo, tin tức, hướng dẫn và các best practice độc quyền của CyStack

Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Hãy trở thành người nhận được các nội dung hữu ích của CyStack sớm nhất

Xem chính sách của chúng tôi Chính sách bảo mật.