CEO @CyStack
WAF (Web Application Firewall), hay Tường lửa Website là một trong những nhân tố quan trọng, giúp bảo vệ website khỏi những vụ tấn công có chủ đích. Vậy WAF là gì? WAF hoạt động như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
WAF là gì?
Để hiểu tường lửa ứng dụng web là gì một cách nhanh chóng, hãy hình dung website của bạn giống như một ngôi nhà trên một con đường đông đúc, thường xuyên có những vị khách ghé thăm. Ngôi nhà này chứa thông tin về doanh nghiệp, các dữ liệu quan trọng, và là cách bạn tiếp cận với khách hàng.
Là chủ nhà, chắc chắn bạn không muốn bị kẻ trộm đột nhập, đánh cắp tài sản quan trọng hay gây hư hại gì cho căn nhà của mình. Tương tự như vậy, bạn hẳn không muốn các tin tặc ghé thăm, tìm và khai thác những lỗ hổng bảo mật trên website của bạn.
Câu trả lời chính là sử dụng một Tường lửa ứng dụng web!
Tường lửa ứng dụng web (Web Application Firewall – WAF) là lớp bảo vệ nằm giữa người dùng và website của bạn, nơi các yêu cầu truy cập của người dùng đi qua, tại đây, WAF sẽ loại bỏ những yêu cầu độc hại trước khi chúng đến được website của bạn. Sử dụng WAF giống như việc cho những vị khách ghé thăm đi qua một cổng kiểm soát – mọi khách ra vào căn nhà của bạn đều được kiểm tra để không có chuyện đáng tiếc nào xảy ra.
Tường lửa ứng dụng web hoạt động như thế nào?
Tường lửa ứng dụng web có thể hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau, trong đó mô hình phổ biến nhất là Reverse-proxy. Để giải thích về cơ chế hoạt động của Reverse-proxy, một lần nữa chúng ta sẽ trở lại với hình ảnh ngôi nhà đại diện cho website của bạn.
Để có thể vào nhà, những vị khách sẽ phải đi qua cổng kiểm soát. Cũng giống như vậy, WAF đóng vai trò như một proxy ở vị trí trung gian giữa người dùng và website. Thay vì người dùng gửi yêu cầu trực tiếp đến máy chủ web, WAF sẽ đứng ra nhận các yêu cầu này, chuyển tiếp đến máy chủ web, nhận phản hồi của máy chủ web, rồi chuyển tiếp lại cho người dùng.
Trong quá trình đó, WAF sẽ phân tích để đánh giá một yêu cầu có được cho là độc hại hay không để loại bỏ nó. Việc xem xét, phân tích thường dựa vào các mẫu nhận diện ứng với từng loại tấn công vào các lỗ hổng khác nhau.
Chất lượng dịch vụ WAF phụ thuộc chủ yếu vào bộ nhận diện và chất lượng máy chủ proxy – quy định số lượng các trường hợp mà WAF có thể nhận diện và khả năng ngăn chặn các hành vi độc hại quy mộ lớn. Trong trường hợp có kỹ thuật tấn công hoặc lỗ hổng mới được phát hiện, mẫu nhận diện tương ứng sẽ nhanh chóng được cập nhật cho WAF.
Tại sao bạn cần tường lửa ứng dụng web?
Trong thực tế, một website thường không tránh khỏi việc tồn tại các lỗ hổng bảo mật, có thể do người lập trình, cấu hình hệ thống hoặc lỗ hổng từ các nền tảng, thư viện. Việc loại bỏ hoàn toàn các lỗ hổng trên website thường rất khó thực hiện bởi lẽ các đơn vị lập trình thường không có hoặc thiếu đội ngũ kiểm tra và sửa lỗi bảo mật chuyên nghiệp.
Ngoài ra, các kỹ thuật tấn công mới được phát hiện mỗi ngày nên việc một website đang an toàn ở thời điểm hiện tại hoàn toàn không có nghĩa các lỗ hổng bảo mật mới sẽ không được phát hiện trong tương lai. Việc dựa vào tường lửa cục bộ hoặc các giải pháp bảo mật từ nhà cung cấp dịch vụ hosting thường không đủ để ngăn chặn tin tặc xâm nhập website của bạn. WAF là một giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề trên.
Lời kết
Tường lửa ứng dụng Website chắc chắn là một phương thức hữu hiệu để loại bỏ những rủi ro nhất định về bảo mật. Tuy nhiên, để đảm bảo Website được bảo mật tuyệt đối, việc kết hợp nhiều phương thức bảo mật là cần thiết. Xem Hướng dẫn bảo mật Website toàn diện từ A – Z.
Đăng ký email để chúng tôi có thể gửi tới bạn những bài viết chất lượng về an ninh mạng, bảo mật doanh nghiệp nhé.