CEO @CyStack
Môi trường internet phát triển, kéo theo tội phạm mạng tăng cao, vì thế cần có những tiêu chuẩn bảo mật cao hơn. Đó là lí do giao thức HTTPS dần thay thế hoàn toàn HTTP. Vậy, giao thức HTTPS là gì, hoạt động như thế nào? Và tại sao các website nên dùng giao thức HTTPS thay vì HTTP? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc đó.
HTTP và HTTPS là gì?
HTTP (Hypertext Transfer Protocol) là giao thức truyền tải siêu văn bản. Đây là giao thức tiêu chuẩn cho World Wide Web (www) để truyền tải dữ liệu dưới dạng văn bản, âm thanh, hình ảnh, video từ Web Server tới trình duyệt web của người dùng và ngược lại.
HTTPS (Hypertext Transfer Protocol Secure) là giao thức truyền tải siêu văn bản an toàn. HTTPS chính là giao thức HTTP nhưng tích hợp thêm Chứng chỉ bảo mật SSL nhằm mã hóa các thông điệp giao tiếp để tăng tính bảo mật.
HTTPS hoạt động như thế nào?
HTTP hoạt động theo mô hình Client (khách) – Server (máy chủ). Việc truy cập website được tiến hành dựa trên các giao tiếp giữa 2 đối tượng trên. Để dễ hiểu, khi bạn truy cập một trang web, trình duyệt sẽ gửi đi một lệnh HTTP. Máy chủ sau khi nhận lệnh, sẽ trả về lệnh tương ứng giúp hiển thị website, bao gồm các nội dung như: văn bản, ảnh, video, âm thanh,…
HTTPS hoạt động tương tự như HTTP, tuy nhiên các nội dung được mã hóa trước khi truyền đi, và giải mã khi nhận, sử dụng chung một loại mã khóa thống nhất giữa Client và Server. Điều này khiến hacker dù có chen ngang lấy được thông tin cũng không thể “hiểu” được thông tin đó.
Giao thức HTTP sử dụng Port 80. Trong khi giao thức HTTPS sử dụng Port 443.
Một câu hỏi thường được đặt ra là liệu sử dụng HTTPS có khiến tốc độ giao tiếp (duyệt web, tải trang đích) giữa Client và Server chậm hơn HTTP không? Câu trả lời là có. Tuy nhiên nhờ công nghệ phát triển, sự khác biệt đã đạt tới giới hạn tiệm cận bằng 0.
Tại sao nên sử dụng giao thức HTTPS?
Tiêu chuẩn bắt buộc
Trước đây, HTTPS thường được sử dụng cho các website tài chính, ngân hàng, TMĐT để bảo mật thông tin thanh toán online. Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, HTTPS đã trở thành tiêu chuẩn bảo mật tối thiểu mà tất cả các website doanh nghiệp cần phải đáp ứng. Việc sử dụng HTTPS giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro bị hacker tấn công và đánh cắp dữ liệu quan trọng.
Xem thêm: 10 giải pháp bảo mật thanh toán trong TMĐT
Bảo vệ người dùng
Một số trình duyệt web phổ biến như Google Chrome, Mozilla Firefox, Microsoft Edge, hay Apple Safari đều có những cảnh báo người dùng về những website “không bảo mật” sử dụng HTTP. Động thái này giúp bảo vệ thông tin của người dùng khi lướt web, bao gồm thông tin cá nhân, thẻ ngân hàng và dữ liệu nhạy cảm khác.
Ngoài ra, chứng chỉ SSL/TSL còn giúp xác minh website chính thức của doanh nghiệp, từ đó giảm thiểu khả năng người dùng bị lừa đảo dưới hình thức Phishing.
Có lợi cho SEO
Những website sử dụng HTTPS được Google tin tưởng hơn, từ đó ưu tiên xếp hạng tìm kiếm cao hơn những website chỉ sử dụng HTTP. Vì vậy, nếu doanh nghiệp triển khai marketing thông qua kênh tìm kiếm Google thì bắt buộc phải sử dụng HTTPS
Kết luận
Mặc dù giao thức HTTP và HTTPS đều có chung công dụng nhưng HTTPS tỏ ra vượt trội hơn hẳn về tính bảo mật. Đó là lí do website nên sử dụng giao thức HTTPS để bảo vệ người dùng cũng như chính website và doanh nghiệp.