HomeBlogHợp đồng thông minh Smart Contract là gì?
Blockchain Security

Hợp đồng thông minh Smart Contract là gì?

CyStack blog9 phút để đọc
CyStack blog18/10/2021
Locker Avatar

CyStack Editor

Locker logo social
Reading Time: 9 minutes

Hợp đồng thông minh là gì?

Hợp đồng thông minh (hay Smart Contract) là một ứng dụng phi tập trung nhằm xử lý các logic kinh doanh để đáp ứng tùy theo các sự kiện trên mạng lưới Blockchain. Việc thực hiện hợp đồng thông minh có thể bao gồm việc giao dịch tiền, cung cấp dịch vụ, mở khóa các nội dung được bảo vệ bởi quyền quản lý kỹ thuật số hoặc việc thay đổi các dữ liệu ví dụ như sang tên chủ sở hữu đất. Hợp đồng thông minh cũng có thể được sử dụng để bảo vệ quyền riêng tư, chẳng hạn như việc tạo điều kiện để công bố một vài dữ liệu cá nhân có chọn lọc để đáp ứng một số yêu cầu nhất định.

Các ứng dụng hợp đồng thông minh có nhiều kiến trúc nền tảng khác nhau về cách chúng được phát triển, phân phối, quản lý và cập nhật. Chúng có thể được lưu trữ như là một phần của một blockchain hoặc các công nghệ sổ cái phân tán (distributed ledger) khác. Chúng cũng được tích hợp vào nhiều phương thức thanh toán và trao đổi kỹ thuật số khác nhau có thể bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo khác.

Mặc dù tên gọi là “thông minh”, tuy nhiên hợp đồng thông minh không phải là hợp đồng có ràng buộc về mặt pháp lý. Chức năng chính của chúng là xử lý các logic kinh doanh nhằm thực hiện các tác vụ, quy trình hoặc giao dịch khác nhau đã được lập trình sẵn để đáp ứng các điều kiện nhất định. Các bước về vấn đề pháp lý phải được thực hiện để liên kết việc xử lý hợp đồng thông minh này với các ràng buộc về pháp lý giữa các bên.

Hợp đồng thông minh hoạt động như thế nào?

Hợp đồng thông minh là một loại chương trình đặc biệt được thiết kế để mã hóa các logic kinh doanh chạy trên một máy ảo có mục đích đặc biệt dựa trên một blockchain hoặc các loại sổ cái phân tán khác.

Quá trình tạo nên một hợp đồng thông minh bắt đầu với việc các nhóm kinh doanh làm việc với nhà phát triển để mô tả yêu cầu và mong muốn của họ về cách hợp đồng thông minh hoạt động và đáp ứng với các sự kiện hay yêu cầu. Họ có thể yêu cầu các tác vụ cơ bản như ủy quyền thanh toán, nhận hàng hóa hay thiết kế một ngưỡng tối đa cho đồng hồ tiện ích (Utility meter reading threshold). Một vài tác vụ phức tạp hơn bao gồm tính toán giá trị của một công cụ tài chính phái sinh, xử lý một giao dịch phái sinh hoặc tự động thanh toán tiền bảo hiểm trong trường hợp một người qua đời hoặc thiên tai.

Nhà phát triển sau đó làm việc trong một nền tảng thiết kế hợp đồng thông minh để phát triển logic và kiểm tra xem liệu nó có hoạt động đúng như dự kiến hay không. Sau khi hoàn thành chương trình, nó sẽ được đưa qua cho một nhóm phát triển khác, có thể là một chuyên gia trong nội bộ hoặc một công ty chuyên môn về bảo mật cho hợp đồng thông minh để kiểm tra độ an toàn. Sau khi đã được chấp thuận, nó sẽ được triển khai trên một blockchain đã có sẵn hoặc các hệ thống sổ cái phân tán khác

Sau khi hợp đồng thông minh được triển khai, nó được tùy chỉnh để tuân theo các cập nhật từ một “oracle”, thực chất là một nguồn dữ liệu được mã hóa. Hợp đồng thông minh sẽ xử lý một khi nó nhận được sự kết hợp các sự kiện phù hợp từ một hoặc nhiều oracle.

Ứng dụng hợp đồng thông minh và blockchain

Blockchain lý tưởng để lưu trữ hợp đồng thông minh bởi tính bảo mật và bất biến của công nghệ này. Dữ liệu của hợp đồng thông minh được mã hóa  trong một sổ cái công khai, giúp cho nó gần như không thể bị mất các thông tin được lưu trữ trên khối.

Tính linh hoạt là một lợi thế khác của công nghệ blockchain được tích hợp vào hợp đồng thông minh. Nhà phát triển có thể lưu trữ gần như bất kỳ loại dữ liệu nào trên một blockchain và họ có rất nhiều phương thức thanh toán để lựa chọn.

Các hợp đồng thông minh dựa trên công nghệ blockchain đang giúp các giao dịch và các quy trình kinh doanh khác an toàn hơn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí so với giá thành vì vậy giúp giảm thiểu chi phí giao dịch.

Một ví dụ đó là vào năm 2016, hạt Cook của bang Illinois đã sử dụng blockchain để thiết kế một hệ thống dữ liệu và theo dõi quyền sở hữu tài sản. Khi các giao dịch này diễn ra, ngoài các giấy tờ truyền thống thì người mua cũng nhận được một mã kỹ thuật số (digital token) cũng có thể sử dụng để chứng nhận quyền sở hữu.

Có khá nhiều ngành công nghiệp có thể hưởng lợi từ việc sử dụng hợp đồng thông minh dựa trên blockchain như một phần của chuỗi cung ứng của họ. Hệ thống thanh toán chăm sóc sức khỏe y tế tự động sử dụng hợp đồng thông minh có thể ngăn ngừa lừa đảo và vấn đề thanh toán quá mức. Ngành công nghiệp âm nhạc có thể lưu trữ quyền sở hữu các bài hát trên một blockchain, sau đó triển khai hợp đồng thông minh để bảo đảm rằng mỗi khi các bài hát được sử dụng cho mục đích thương mại, họ sẽ nhận được tiền bản quyền. Ngành công nghiệp ô tô cũng có thể hưởng lợi bằng việc lưu trữ các thông tin có sẵn về việc bảo dưỡng xe, tai nạn và quyền sở hữu.

Nền tảng hợp đồng thông minh phổ biến nhất là Ethereum, Ethereum cũng là một loại tiền ảo được sử dụng rộng rãi. Cộng đồng Ethereum đã phát triển một loại ngôn ngữ lập trình gọi là Solidity để viết các hợp đồng thông minh chạy trên môi trường máy ảo Ethereum (EVM).

Một vài môi trường phổ biến khác bao gồm loại ngôn ngữ WebAssembly (WASM) và ngôn ngữ Digital Asset Modeling (DAML). WASM cho phép các nhà phát triển tạo ra các hợp đồng thông minh có thể chạy trên trình duyệt web và được tích hợp vào blockchain và các sổ tay phân tán sử dụng rất nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau như C, JavaScript, TypeScript và Rust. DAML là loại ngôn ngữ tập trung vào sử dụng cho các doanh nghiệp được thiết kế để xử lý các trường hợp kinh doanh khác nhau và cũng giúp bảo vệ quyền riêng tư.

Các lợi ích của hợp đồng thông minh

Có một vài lợi ích khi sử dụng hợp đồng thông minh trong kinh doanh như sau:

  • Sự hiệu quả: Hợp đồng thông minh hứa hẹn sẽ tự động hóa các quy trình kinh doanh ở tầm cỡ tập đoàn. Điều này giúp giảm chi phí vận hành và tiết kiệm tài nguyên, bao gồm cả các nhân viên cần thiết để giám sát quá trình hoạt động phức tạp liên quan tới nhiều công ty.
  • Tốc độ xử lý: Hợp đồng thông minh giúp cải thiện tốc độ xử lý các quy trình giữa nhiều công ty, tập đoàn khác nhau.
  • Sự tự chủ: Hợp đồng thông minh được thực hiện tự động bởi một mạng lưới và giúp giảm sự cần thiết của 1 bên thứ 3 nhằm quản lý giao dịch giữa các công ty.
  • Độ tin cậy: Hợp đồng thông minh cũng tận dụng sổ cái blockchain và các công nghệ sổ cái phân tán khác nhằm lưu trữ tất cả các thông tin và hoạt động liên quan đến quá trình xử lý phức tạp sau khi nó đã được thực hiện. Công nghệ này  cũng hỗ trợ giao dịch tự động giúp xóa bỏ các lỗi do con người và bảo đảm sự chính xác khi thực hiện hợp đồng.

Các vấn đề thường gặp và thách thức dành cho hợp đồng thông minh

Có khá nhiều vấn đề và thách thức cần phải cân nhắc trước khi lên kế hoạch triển khai hệ thống này.

  • Vấn đề bảo mật: Hợp đồng thông minh giữ một vài vai trò quan trọng nhất định trong một thương vụ làm ăn có nhiều bên tham gia. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn còn mới và các hacker thường xuyên khai thác các hướng tấn công mới nhằm xâm nhập. Trong những ngày đầu của Ethereum, các hacker đã tấn công và ăn trộm một lượng lớn tiền ảo trị giá 50 triệu Đô. Hiệp hội các kỹ sư điện và điện tử IEEE cũng đã bày tỏ sự lo ngại về sự yếu kém của các công cụ được sử dụng để phát hiện lỗ hổng trong các hợp đồng thông minh.
  • Tính nguyên vẹn: Một oracle (một nguồn dữ liệu gửi các cập nhật về sự kiện) cần được bảo vệ khỏi các hacker tạo ra những sự kiện giả để kích hoạt xử lý các hợp đồng mặc dù chúng không được phép. Hệ thống cần phải được lập trình để tạo ra các sự kiện chính xác, điều này có thể khá khó khăn trong những trường hợp phức tạp.
  • Tính phù hợp: Hợp đồng thông minh có thể tăng tốc quá trình xử lý trong một hợp đồng có nhiều bên tham gia bất kể nó có phù hợp với ý định hay hiểu biết của tất cả các bên hay không. Nhưng việc này cũng có thể khiến cho thiệt hại thêm nghiêm trọng trong trường hợp sự việc vượt ngoài tầm kiểm soát, đặc biệt là khi không có cách nào để dừng hoặc đảo ngược các hành động ngoài ý muốn. Công ty nghiên cứu Gartner đã chỉ ra rằng vấn đề này tạo nên một thách thức trong việc quản lý các hợp đồng thông minh mặc dù thách thức này chưa được nhắc đến một cách hoàn chỉnh.
  • Phức tạp trong khâu quản lý: Hợp đồng thông minh khá phức tạp trong khâu triển khai và quản lý. Chúng thường được thiết kế theo một cách để rất khó hoặc không thể thay đổi. Mặc dù điều này gia tăng tính an toàn, tuy nhiên các bên tham gia sẽ không thể thay đổi nội dung hoặc thêm các điều khoản mới mà không cần tạo một hợp đồng mới.

Tương lai của hợp đồng thông minh

Hợp đồng thông minh khá phức tạp và tiềm năng của chúng vượt qua cả việc thực hiện những giao dịch chuyển giao tài sản. Nó có thể thực hiện các giao dịch trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ quy trình pháp lý, chi trả bảo hiểm, gây quỹ tới các giao dịch tài chính phái sinh. Hợp đồng thông minh có khả năng tách rời lĩnh vực pháp lý và tài chính bằng cách đơn giản hóa và tự động hóa các quy trình lặp đi lặp lại mà người dùng đang phải trả tiền cho các ngân hàng và luật sư để họ thực hiện.

Vai trò của luật sư có thể cũng sẽ thay đổi trong tương lai khi mà các mẫu hợp đồng thông minh có thể tùy chỉnh và khi nó có khả năng điều chỉnh các hợp đồng pháp lý truyền thống. Hợp đồng thông minh không chỉ có khả năng tự động hóa các quá trình xử lý mà còn có thể kiểm soát hành vi, kiểm tra rủi ro và đánh giá theo thời gian thực nhằm tạo điều kiện cho việc tuân thủ hợp đồng.

Hợp đồng thông minh cũng cho thấy tiềm năng trong việc tự động hóa các quá trình chạy trên Internet vạn vật (IoT) và các máy tính điện toán biên (edge computing devices). Ví dụ, một công ty tiện ích có thể cung cấp một dịch vụ trong đó hợp đồng thông minh được sử dụng để đáp ứng với các thay đổi về tỷ lệ dùng điện của các thiết bị được tích hợp với công tơ mét đo điện. Ví dụ khi giá điện đã sử dụng đạt tới một ngưỡng nhất định, hợp đồng thông minh sẽ tự động tắt các thiết bị tốn điện như điều hòa sử dụng một bộ điều khiển IoT đặc biệt.

Một ứng dụng tiềm năng khác đó là tích hợp hợp đồng thông minh vào các máy bán hàng tự động để người dùng có thể thanh toán bằng tiền ảo.

Trong một kịch bản khác về chuỗi cung ứng, hợp đồng thông minh có thể tự động giải ngân khi container chở hàng đã tới đích đến và cảm biến IoT xác nhận rằng nó luôn được niêm phong, hàng hóa được giữ ở nhiệt độ và độ ẩm vừa phải và không bị hư hại trong quá trình di chuyển.

Lịch sử và hình thành của hợp đồng thông minh

Khái niệm về hợp đồng thông minh lần đầu được đề xuất bởi Nick Szabo vào năm 1994. Szabo là một học giả về pháp lý và là một nhà mật mã học được biết tới là người tạo ra nền móng cho tiền ảo. Tuy nhiên, có rất ít sự chú ý hoặc quan tâm về hợp đồng thông minh, bởi vì không có một nền tảng kỹ thuật số hay một công nghệ sổ cái phân tán nào có thể hỗ trợ nó vào thời điểm đó.

Vào năm 2008, đồng tiền ảo bitcoin được phát triển trên một mạng lưới blockchain với sổ tay phân tán giúp theo dõi việc giao dịch. Công nghệ này cho phép sự phát triển của các mã hợp đồng thông minh (smart contract code), được sử dụng để nhập các điều khoản hợp đồng vào blockchain.

Rất nhiều nền tảng khác nhau ngày nay cho phép sử dụng hợp đồng thông minh bao gồm Ethereum, HyperLedger, Tezos và Corda. Ngày nay, với sự phổ biến ngày càng tăng của bitcoin và sự hỗ trợ dành cho công nghệ blockchain, hợp đồng thông minh đang ngày càng trở nên phổ biến.

Theo SearchCompliance

CyStack blog

Mẹo, tin tức, hướng dẫn và các best practice độc quyền của CyStack

Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Hãy trở thành người nhận được các nội dung hữu ích của CyStack sớm nhất

Xem chính sách của chúng tôi Chính sách bảo mật.