Có bao giờ bạn tự hỏi: Giá trị website nằm ở đâu? Phụ thuộc vào những yếu tố nào? Tại sao google.com lại đáng giá hơn 300 tỷ VNĐ trong khi nhiều website khác lại chẳng đáng giá 1 xu? Tất cả những thắc mắc đó sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Bài viết sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi:
- Vì đâu mà một vài trang web có giá cao chót vót, trong khi số khác thì không?
- Những yếu tố nào ảnh hưởng tới giá trị website?
- Có những trang web nào check giá trị website?
- Làm sao để tính giá trị website của bạn?

I. Giá trị của một website
Website là một loại tài sản. Cũng giống như ô tô, xe máy hay một cuốn sách, mỗi trang web khác nhau có một giá trị khác nhau. Việc “định giá” một website phụ thuộc vào nhiều yếu tố: mục đích sử dụng, đối tượng sở hữu, số lượng data mà website sở hữu, vai trò của website với công việc kinh doanh, v.v. Có thể chia ra 2 “kiểu giá trị” thường thấy của website, đó là giá trị tinh thần và giá trị vật chất (thương mại).
1. Giá trị tinh thần
Trước đây, việc tạo một website cần rất nhiều kiến thức về lập trình, thiết kế. Tuy nhiên, dưới sự phát triển của công nghệ, ngày nay bất kì ai cũng có thể tạo một trang web cho riêng mình, sử dụng template có sẵn và domain được cung cấp miễn phí bởi bên thứ 3.
Những trang web kiểu này thường phục vụ 2 mục đích chính: học tập – nghiên cứu và viết blog. Chúng có giá trị về mặt tinh thần, và thường thì không thể đo đếm hay quy đổi ra vật chất được.

Ngoài ra, đối với một số người, website đóng vai trò như một online resume (hồ sơ cá nhân) để giới thiệu những kĩ năng của bản thân với nhà tuyển dụng.

Ngày nay, một lượng không nhỏ blogger có xu hướng thương mại hóa blog của họ khi nó đủ lớn. Họ sẽ đặt quảng cáo, bán sách, bán khóa học trên website. Khi đó, giống như các doanh nghiệp, website đã mang giá trị thương mại.
2. Giá trị thương mại
Theo thống kê của Netcraft, tính tới Tháng 1 – 2019, có 1,5 tỷ website được tạo ra trên toàn cầu. Con số website hoạt động thương xuyên (active) là gần 200 triệu, phần lớn trong số đó là website thương mại thuộc sở hữu của các doanh nghiệp.
Nghiên cứu từ Alexa – công ty con của Amazon, chỉ ra rằng top 500 website lớn nhất thế giới “thống lĩnh” internet đều thuộc sở hữu của các tập đoàn lớn như Google, Facebook, hay Microsoft. Website của gã khổng lồ thương mại điện tử lớn nhất thế giới Amazon.com cũng góp mặt vào “bảng vàng” danh giá.

Giá trị của những website kể trên có thể lên tới hàng tỷ USD. Đặc biệt, với những công ty thu lợi nhuận dựa trên chính nền tảng website của mình như Facebook, Google hay Amazon, con số này được nhân lên gấp nhiều lần.
Cũng theo Alexa, Google.com hiện là website có giá trị cao nhất thế giới. Mỗi ngày Google.com ghi nhận khoảng 1,6 tỷ lượt truy cập, thu về 13 triệu USD, và có giá trị ước tính khoảng 14 tỷ USD (334 tỷ VNĐ). Website mạng xã hội Facebook xếp thứ 3 với giá trị 4 tỷ USD (111 tỷ VNĐ), đứng ngay sau Youtube có giá tới 7 tỷ USD (167 tỷ VNĐ).
Tại Việt Nam, rất nhiều công ty công nghệ chỉ mất 3-5 năm để được định giá nghìn tỷ như Tiki, Foody, Vntrip. Hầu hết trong số đó đều kết nối với người dùng và tạo ra lợi nhuận dựa trên nền tảng web. Điều đó khiến website của những công ty này có giá trị vô cùng lớn.

Giá trị của website Tiki, Foody, và Vntrip lần lượt là 40, 18, và 14 tỷ VNĐ. Con số này được ước tính dựa trên lưu lượng truy cập hàng ngày, doanh thu của công ty, số lượng xem trang, v.v.
Có thể thấy, website đóng vai trò như một “xương sống” đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt đối với những startup công nghệ hay thương mại điện tử.
II. Làm sao để định giá một trang web?
1. Những yếu tố ảnh hưởng tới giá trị website
Về cơ bản, việc định giá một trang web là ước tính khả năng sinh lời của website trong tương lai dựa vào những chỉ số có sẵn trong quá khứ. Có rất nhiều chỉ số ảnh hưởng tới khả năng sinh lời của một website như: lưu lượng truy cập, tuổi đời của domain, số lượng backlinks, xếp hạng Alexa, tốc độ tải trang, v.v. Tuy nhiên, dưới đây là các chỉ số cơ bản nhất:
Traffic volume
Traffic volume (hay lưu lượng truy cập) cho biết có bao nhiêu người truy cập vào website mỗi ngày, từ đó đánh giá được tiềm năng phát triển cũng như khả năng sinh lời của website.
Bounce rate
Nếu như Traffic volume thể hiện số lượng truy cập, thì bounce rate thể hiện chất lượng truy cập. Bounce rate cho biết tỉ lệ thoát trang ngay sau khi vào. Nếu chỉ số này quá cao có thể ảnh hưởng phần nào tới giá trị của website.
Unique visit và Active user
Số lượng người dùng website, bao gồm tổng số người dùng và số người dùng thường xuyên, là một thước đo mạnh mẽ phản ánh giá trị của website đó. Chỉ số này cũng phản ánh “quyền lực mềm” có khả năng thay đổi thói quen người dùng của website.
Revenue
Doanh thu mà website mang lại. Những nguồn doanh thu của một website bao gồm: doanh thu quảng cáo, doanh thu từ giao dịch online, hay doanh thu gián tiếp từ những hoạt động khác. Việc xác định được doanh thu tại một thời điểm nhất định của một website phần nào phản ánh khả năng sinh lời trong tương lai của website đó.
2. Định giá website
Ngay cả khi đã nắm trong tay các chỉ số cơ bản, thì việc định giá trang web vẫn không hề đơn giản. Tùy vào từng lĩnh vực kinh doanh khác nhau mà mỗi chỉ số trên có giá trị, tầm ảnh hưởng khác nhau. Một trang web có thể không quá quan trọng với những đơn vị bán lẻ truyền thống, nhưng lại là cả một gia tài đối với các công ty thương mại điện tử, startup công nghệ, hay bất cứ ai đang kinh doanh online. Cách đơn giản nhất để định giá website đối với doanh nghiệp là dựa vào doanh thu thông qua website, bao gồm doanh thu trực tiếp do bán hàng trên website và doanh thu gián tiếp (khách hàng xem thông tin trên website rồi quyết định mua hàng). Hãy tự trả lời những câu hỏi sau:
- Doanh thu của tôi là bao nhiêu?
- Chúng tới từ những nguồn/kênh nào?
- Website có ảnh hưởng tới quyết định mua hàng hay không?
- Nếu có, mức độ ảnh hưởng là bao nhiêu?
- Nếu website bị hack và mất quyền kiểm soát, doanh thu tổn thất là bao nhiêu?
Bằng việc trả lời các câu hỏi trên, chủ doanh nghiệp có thể đưa ra những đánh giá sơ bộ về tầm quan trọng của website đối với công việc kinh doanh của mình, từ đó định giá tương đối giá trị của website.
III. Những công cụ đánh giá website uy tín
Trên thị trường có rất nhiều công cụ đánh giá website khác nhau, tuy nhiên hầu hết đều dựa trên những tiêu chí đã nhắc tới trong phần trên. Sau đây là một số công cụ uy tín để đánh giá website.
Alexa

Alexa hiện là công cụ số 1 trên thế giới về đánh giá website. Để sử dụng công cụ, người dùng cần cài đặt tiện ích mở rộng Chrome có tên Alexa Traffic Rank. Tuy bản miễn phí của tiện ích này có tính năng khá hạn chế, bản trả phí lại vô cùng mạnh mẽ và có nhiều thông tin quý giá về các trang web trên internet. Lượng thông tin về hành vi người dùng đối với các website mà Alexa thu được vô cùng lớn. Đó là lí do nhiều công cụ định giá website khác phải dựa vào chỉ số Alexa.
Site Worth Checker

Công cụ này cung cấp cho bạn giá trị ước tính của website bất kì, doanh thu quảng cáo, unique visitor, pageviews. Ngoài ra, bạn cũng có thể xuất file pdf để xem chi tiết về các chỉ số trên.
Danhgiaweb.com

Đây là công cụ tiếng Việt khá uy tín, sử dụng nhiều yếu tố để đánh giá và định giá website như lưu lượng truy cập, tỉ lệ thoát trang, chỉ số Google, xếp hạng Alexa, v.v.
Lưu ý: Do tính phức tạp của thị trường, cũng như mô hình kinh doanh ngày một đa dạng, các công cụ trên chỉ mang tính tham khảo và có thể không đúng trong nhiều trường hợp.
IV. Lời kết
Bài viết trên đã trả lời câu hỏi Giá trị của một website nằm ở đâu và được tính như thế nào, giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về giá trị cũng như vai trò của website đối với doanh nghiệp. Để bảo mật website của mình khỏi tin tặc và các rủi ro trong thời đại công nghệ, mời bạn tham khảo bài viết Hướng dẫn bảo mật website từ A – Z.